Cao Bá Quát :”Dù Văn Hay Đến Đâu, Chữ Xấu Cũng Chẳng Ích Gì”

Nghe đọc

Cao Bá Quát (1809 – 1854) tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Thiên, là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là văn tài xuất chúng của nước ta vào thế kỷ XIX. Ngay từ thuở nhỏ, Bá Quát đã nổi tiếng học giỏi nên được mọi người coi như thần đồng.

Là người thông minh từ nhỏ, năm 12 tuổi, Cao Bá Quát đã theo các bậc đàn anh lều chõng đi thi. Khi còn đi học ở Bắc Ninh, Cao Bá Quát nổi tiếng về tài văn thơ đối đáp thông minh và tài họa, nhưng lại viết chữ rất xấu. Tính khí tuy ngông ngạo, nghịch ngợm, nhưng bù lại ông rất chịu khó đọc sách, học hỏi và kiên nhẫn trong học tập. Học cũng như làm, bất kỳ khi nào ông cũng phải làm cho đến nơi đến chốn.

Ân hận với bà cụ hàng xóm

Một hôm có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản: “Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu lên quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn có được không?”.

Cao Bá Quát vui vẻ trả lời: “Tưởng việc gì khó, chứ việc đó cháu xin sẵn lòng ạ!”.

Lá đơn viết lý lẽ rõ ràng, yên trí quan trên sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ của ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà cụ kể lại chuyện ấy khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết rằng dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Cột tóc lên trần nhà luyện viết chữ đẹp

Xấu hổ với chữ viết như gà bới, đêm đến, ông thường thức khuya miệt mài tập viết chữ. Buồn ngủ quá, ông tự buộc tóc mình lên mái nhà để mỗi lần ngủ gật bị giật tóc đau, phải tỉnh lại.

Buộc chân vào cạnh bàn để không chạy đi chơi.

Ông còn buộc chân vào các cạnh bàn để không thể “chạy đi chơi”. Nhờ sự quyết tâm, kiên nhẫn, một thời gian sau, từ viết chữ xấu, Cao Bá Quát nổi tiếng khắp vùng về biệt tài viết chữ đẹp. Tương truyền, chữ viết của ông như “rồng bay phượng múa”, bút tích còn lại hiện nay được lưu lại trong bài đề tựa cuối cùng của Mai Am thi tập của công chúa Lại Đức, con gái Vua Minh Mạng. Thời gian ở quê nhà, tài viết chữ đẹp của Cao Bá Quát vang xa khắp vùng. Người dân thường tới nhà ông xin câu đối về treo, nhất là vào các dịp tết. Không những viết chữ đẹp, Cao Bá Quát còn nổi tiếng về tài văn thơ. Ông có thể “xuất khẩu thành thơ”, làm vế đối mọi lúc, mọi nơi, ý tứ rất chuẩn mực, sắc sảo.

Lời bàn:

Người xưa nói: “Có chí thì nên”. Tấm gương luyện viết chữ của Ngài Cao Bá Quát là một minh chứng cho chúng ta thấy được:

“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Ý chí này còn được người sau ghi nhớ sâu sắc  bởi ông còn cột tóc lên trần để chống ngủ gật, buộc chân vào bàn để không chạy đi chơi. Việc luyện chữ đã như vậy thì cũng dễ hiểu khi tài năng văn chương của ông khiến ngay cả Vua cũng phải thán phục. Vua trực tiếp ca ngợi ông và người bạn Nguyễn Văn Siêu rằng: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán”, nghĩa là văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời Tiền Hán không có ai bằng.