Dạy Con Làm Giàu – Tập 3. Phần 5: Đáp Đền. Chương 42: Bạn Có Sẵn Sàng Đáp Đền Không?

Nghe đọc

QUY TẮC KIỂM SOÁT ĐẦU TƯ THỨ 10 – KIỂM SOÁT VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN & PHÂN CHIA CỦA CẢI

Cách đây không lâu, một người bạn của tôi thời trung học, Dan, tạt ngang vùng và rủ tôi đi chơi gôn. Dan luôn là một tay chơi gôn rất giỏi, trong khi tôi ngưng chơi đã hàng mấy tháng liền.

Khi chơi vòng quanh sân gôn, tôi cảm thấy hết sức ngượng ngùng trước kỹ thuật điêu luyện của Dan, cuộc trò chuyên giữa hai chúng tôi dần dần chuyển sang đề tài về những gì chúng tôi đang làm trong cuộc sống. Khi tôi bảo Dan là tôi đã về hưu, hiện đang xây dựng kinh doanh với một công ty chuẩn bị lên sàn, và một công ty khác còn đang phát triển, anh ấy trở nên giận dữ với tôi. Sự giận dữ ấy khiến anh ta đột nhiên kết tội tôi là tham lam, chỉ biết có mình và bóc lột người nghèo. Sau gần một tiếng đồng hồ cố giữ bình tĩnh và kềm chế một cách xã giao, tôi cảm thấy hết chịu đựng nổi. Cuối cùng, tôi nói, “Điều gì khiến anh nghĩ là người giàu tham lam?”

Anh ta trả lời, “Bởi vì hầu như ngày nào tôi cũng đều thấy người nghèo. Và tôi chưa bao giờ thấy người giàu làm một điều gì đó cho họ cả.” Dan là một luật sư biện hộ dành cho những người không có tiền thuê mướn luật sư. Anh ấy giận dữ nói tiếp, “Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu mỗi lúc một lớn hơn và chẳng hề được cải thiện chút nào. Hiện tại, chúng ta có những gia đình đứng trên bờ tuyệt vọng của sự nghèo khổ. Trong khi đó, những kẻ như anh lại mỗi lúc kiếm tiền nhiều hơn. Đó là tất cả những gì mà anh nhắm tới hay sao? Xây dựng kinh doanh và làm giàu, không có một lý tưởng nào khác? Anh đã trở nên tồi tệ cũng như bố của Mike vậy, một người đàn ông giàu có tham lam chỉ biết tìm cách để giàu hơn.”

Dan nguội dần xuống khi trò chơi tiếp diễn. Khi gần kết thúc, chúng tôi đồng ý gặp lại ngày hôm sau ở một nhà hàng và tôi sẽ cho anh ta thấy những gì tôi đang làm.

Tôi đem bộ cờ Cashflow đến cho Dan xem vào bữa sau đó. Anh ta hỏi sau khi chúng tôi ngồi vào bàn, “Bộ cờ này dùng cho mục đích gì?”

Tôi vừa trải bộ cờ ra trên bàn, vừa giải thích quan điểm của tôi về một trong những nguyên nhân của sự nghèo khổ chính là thiếu sự hiểu biết và kiến thức. Tôi nói, “Đó là điều có thể học được. Điều đó có thể được dạy ở nhà. Các trường lớp không dạy anh về tiền bạc, anh đành phải tự học ở nhà thôi.”

“Thế bộ cờ này dạy điều gì?”, Dan hỏi.

“Nó dạy những từ ngữ về tài chính,” tôi nói. “Theo tôi, từ ngữ hay lời nói là những công cụ, tài sản có nhiều quyền lực nhất của con người, bởi vì lời nói sẽ ảnh hưởng đến bộ não của chúng ta, và bộ não của chúng ta sẽ tạo ra những thực tại hiện hữu trên thế giới, vấn đề là có nhiều người khi rời khỏi nhà và trường học đều không bao giờ học hỏi hay hiểu được những từ ngữ liên quan đến tiền bạc, mà từ đó dẫn đến hậu quả là nhiều người phải vật lộn với chuyện tiền bạc suốt đời.”

Dan im lặng xem xét bộ cờ một hồi lâu rồi hỏi một cách mỉa mai, “Thế anh dự định chấm dứt tình trạng nghèo khổ bằng bộ cờ này à?”

“Không phải,” tôi cười khúc khích. “Tôi không bao giờ lạc quan hay mơ mộng đến thế. Tôi tạo ra trò chơi này chủ yếu dành cho những người muốn trở thành chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư. Quản lý tiền bạc là một kỹ năng cơ bản cần thiết cho bất cứ ai muốn làm giàu.”

“Như vậy là anh tạo ra bộ cờ này cho những ai muốn làm giàu chứ không phải người nghèo à?”, Dan hỏi và tôi cảm thấy anh ta lại nổi cơn giận.

Tôi vẫn tươi cười trước phản ứng tâm lý của anh ta. Tôi đáp, “Càng không phải như thế. Tôi không tạo ra sản phẩm này để loại trừ những người nghèo. Tôi lặp lại với anh một lần nữa. Tôi tạo ra bộ cờ đó cho bất kỳ ai muốn làm giàu, dù người đó hiện đang nghèo hay đang giàu.”

Vẻ mặt căng thẳng của Dan trông giãn ra một tí.

“Chính xác như vậy,” tôi nhẹ nhàng nói. “Các sản phẩm của tôi được nhắm đến cho những ai muốn làm giàu. Sản phẩm của tôi sẽ chẳng giúp được ai cả, bất chấp người đó có tình trạng tài chính như thế nào, nếu như người đó không có ý muốn làm giàu gì cả. Sản phẩm của tôi cũng chẳng giúp được cho người giàu hay người trung lưu nếu những người đó không muốn giàu hơn.”

Dan ngồi đó lắc đầu. Anh ta lại càng tỏ ra giận dữ hơn. Cuối cùng, anh ta nói, “Ý của anh là tôi bỏ cả đời mình để giúp đỡ mọi người để rồi tôi không thể giúp được ai cả, có phải thế không?”

Tôi trả lời, “Không phải, tôi không nói như thế. Tôi không thể nhận xét những gì anh đang làm hay sự giúp đỡ của anh với người khác có hiệu quả như thế nào. Hơn nữa, tôi đâu có quyền đánh giá anh.”

“Thế ý anh muốn nói gì?”, Dan hỏi.

“Ý tôi nói là anh không thể giúp được một người nếu như người đó không thực sự muốn tự giúp cho chính bản thân mình trước hết. Nếu một người chẳng thèm quan tâm đến chuyện làm giàu, thì sản phẩm của tôi đối với người đó hoàn toàn vô dụng.”

Dan lặng lẽ suy nghĩ đến sự khấc biệt mà tôi đang cố gắng giải thích cho anh ta hiểu. Một hồi sau, anh ta nói, “Trong nghề nghiệp của tôi, tôi thường đưa ra lời khuyên và hướng dẫn về mặt luật pháp cho mọi người. Nhiều người chẳng thèm đoái hoài đến lời tư vấn của tôi. Một hay hai năm sau dó, tôi gặp lại những người ấy, họ vẫn trong tình trạng như trước. Họ bị vào tù trở lại, bị kết án vì các tội danh hình sự. Đó có phải là ý anh muốn nói đến?

Lời khuyên – bản thân nó sẽ trở nên vô dụng trừ phi mọi người thực sự muốn thay đổi hoàn cảnh sống của chính mình?”

“Đó chính là điều tôi đang nói đến,” tôi đáp. “Điều đó cũng giải thích tại sao mà những chương trình tập luyện và ăn kiêng hiệu quả nhất lại không thành công nếu như một người không thực sự muốn giảm cân. Hay tại sao chỉ mất thời gian vô ích và gây ảnh hưởng đến cả lớp học khi có một học sinh chẳng thích thú quan tâm gì đến môn học đó. Dạy cho một người không muốn học thật khó vô cùng. Điều đó càng đúng đối với tôi. Chẳng hạn, tôi chẳng thích thú gì khi học môn lặn chung với các loài cá mập. Do đó, anh không thể ép buộc tôi học được. Thế nhưng với môn gôn thì lại khác. Tôi sẽ học rất chăm chỉ, luyện tập hàng giờ và sẵn sàng trả nhiều tiền để học. Đơn giản chỉ vì tôi thực sự muốn học chơi gôn.”

Dan gật đầu, “Tôi hiểu điều đó.”

“Thế nhưng tôi sẽ không trình bày với anh bộ cờ này về khía cạnh làm giàu. Tôi muốn cho anh thấy điều khác, điều mà bố của Mike đã dạy cho tôi và anh ấy phải biết độ lượng và rộng rãi. Đó chính là việc trả lại.”

Liên tục trong mười phút, tôi giải thích giai đoạn thứ 5 trong kế hoạch của người bố giàu, chỉ cho Dan thấy đó là một phần không kém quan trọng trong kế hoạch của Người cần phải rộng rãi và đóng góp từ thiện. Tôi nói, “Bố của Mike đã dạy chúng tôi năm giai đoạn tách biệt trên con đường làm giàu. Giai đoạn thứ năm đề cập đến trách nhiệm của việc công hiến và đóng góp sau khi anh đã trở nên giàu có. Bố của Mike luôn luôn tin rằng kiếm tiền và khư khư ôm giữ lấy chúng chỉ là sự lạm dụng sai trái sức mạnh của đồng tiền.”

ĐÓNG GÓP

Dan lặng lẽ gật đầu và nói, “Ý anh muốn nói là bố của Mike dạy anh và Mike cần phải biết đóng góp từ thiện cũng như cách làm giàu?”

Tôi gật đầu, “Người bố giàu cho rằng một trong những kiểm soát quan trọng nhất mà một người đầu tư cần có chính là sự kiểm soát việc đóng góp tiền bạc cho xã hội.”

“Thế nhưng ông ta lại nổi tiếng vì sự giàu có tham lam của mình. Nhiều người đồn những điều khủng khiếp về ông ấy, về mức độ tham lam của ông ấy.”

“Hầu hết mọi người đều nghĩ như thế, nhưng riêng Mike và tôi lại thấy điều khác hẳn và trái ngược hoàn toàn. Càng kiếm được nhiều tiền chừng nào, ông lại đóng góp từ thiện nhiều chừng nấy. Nhưng ông cống hiến và đóng góp rất âm thầm lặng lẽ, chứ không phô trương ồn ào.”

Có một thực tế hiện hữu là không phải người giàu nào cũng tham lam cả. Nếu anh mở mắt ra mà xem, anh sẽ thấy có nhiều người rất giàu đã đóng góp vô số của cải và tiền bạc cho xã hội. Như Andrew Carnegie chẳng hạn, ông ấy đã trả lại qua việc tài trợ các thư viện mở khắp toàn quốc. Hay Henry Ford lập quỹ từ thiện Ford Foundation, và gia đình Rockefeller lập qụỹ Rockefeller Foundation. Hay nhân vật lý tưởng của tôi chẳng hạn, George Soros, sáng lập quỹ Quantum và hiện đang đóng góp vô số tiền bạc cho giấc mơ tạo ra một xã hội toàn cầu và vận động khuyến khích sự hiểu biết về tài chính giữa các quốc gia. John D. Rockefeller không chỉ lập ra quỹ từ thiện mà còn cùng với các sinh viên ra trường giàu có khác đóng góp rất nhiều cho Đại học Chicago. Nhiều nhân vật giàu có khác thậm chí còn sáng lập ra các trường đại học của riêng mình, như Stanford lập ra Đại học Stanford, và Duke lập ra Đại học Duke.

“Tôi ước ao là có nhiều người hơn làm được như vậy”. Dan nói.

Mời các bạn đón đọc thêm: