Trương Đăng Quế (1793-1865) được xem là một trong những vị quan thanh liêm của nhà Nguyễn, góp công rất lớn trong việc xây dựng triều đại này. Ông sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Ngãi, làm quan 43 năm qua bốn đời Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hai lần nhận di chiếu tôn phò Vua mới. Ông còn là nhà thơ, nhà sử học, và là thầy của Vua Thiệu Trị, các Hoàng tử cùng một số quý tộc nổi tiếng khác.
Thuở nhỏ, Trương Đăng Quế đã nổi tiếng là văn hay. Năm 1819, ông đỗ Hương tiến – học vị cao nhất thời bấy giờ, được bổ nhiệm làm quan. Năm 1830 dưới thời Vua Minh Mạng, Trương Đăng Quế làm ở Nội các, hàng ngày gần gũi Vua, cùng tham gia bàn bạc các vấn đề của đất nước. Năm 1832, ông được phong làm Thượng thư bộ Binh. Tuy nhiên để tận dụng hết tài năng của Trương Đăng Quế, Vua Minh Mạng đã cử ông làm chủ sát hạch giáo chức các tỉnh, độc quyển điện thí, chủ khảo trường thi Hội và Độc quyển kỳ thi Đình. Các việc này đều được làm tốt đến nỗi Vua Minh Mạng phải khen Trương Đăng Quế rằng: “Nhìn việc thấu triệt, nói được rõ ràng, có thể đi đến chỗ thành công. Nói thì chính trực vô tư, làm thì quả quyết được việc, chặn được manh lưới kẻ gian, dứt được việc lừa dối trước đây”.
Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), thấy mình đã già nua, không có kế sách chống xâm lăng cứu nước, ông viết sớ xin từ chức: “Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì để đánh lại được giặc Tây dương. Tội ấy chối sao được! Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ”.
Nhận sớ xong, Vua vẫn quyết ý không cho từ quan. Trương Đăng Quế lại dâng sớ khác xin tự giáng chức, bỏ hẳn tước Quận công, xin giảm nửa lương. Trong ba năm đã dâng sớ sáu lần, mãi đến tờ sớ cuối (khoảng 1863) Vua mới ưng thuận. Khi về hưu, ông không ở lại kinh thành mà xin về quê nghèo.
Trương Đăng Quế một lòng trung trinh với nước. Truyện kể rằng khi ông và đoàn tùy tùng trong một đợt đi giải quyết công việc quốc gia, đi bằng đường biển, thuyền của ông đi sát dọc theo Quảng Ngãi quê hương ông. Nhưng vì mệnh Vua và là một người có trách nhiệm với công vụ, không thể dừng lại thăm quê nhà, đứng ở đầu thuyền, nhìn về quê nhà, Trương Đăng Quế xúc động viết thành thơ với tấm lòng dạt dào thương nhớ quê hương. Tháng 2 năm Ất Sửu (1865), Trương Đăng Quế lâm bệnh nặng, mất ở tuổi 72.
Lời bàn:
Ông là bề tôi lương đống (người tài năng, trụ cột) của nhà Nguyễn. Lúc còn sống, ông được phong tước Tuy Thạnh quận công, khắc tên vào cỗ súng lớn Bảo Đại định công. Khi qua đời, ông được truy phong Thái sư, ban tên thụy là Văn Lượng, cho khắc vào bia mộ dòng chữ Lưỡng triều cố mệnh lương thần Trương Văn Lương chi mộ (Mộ của bề tôi giỏi chịu mệnh Tiên đế phó thác qua hai triều là Trương Văn Lương). Năm 1876 (Tự Đức thứ 28) nhà Vua cho phối thờ ông trong Thế miếu, nơi thờ phụng các Vua nhà Nguyễn và phối thờ các đại công thần.