Dạy Con Làm Giàu – Tập 3: Chương 36: Quản Lý Sản Phẩm

Nghe đọc

SẢN PHẨM

Sản phẩm của công ty, được khách hàng mua, là yếu tố quan trọng cuối cùng của tam giác C- Đ. Đó có thể là một sản phẩm hữu hình như bánh mì thịt, hay vô hình, như các dịch vụ tư vấn. Điểm cần lưu ý ở đây là khi đánh giá một doanh nghiệp, nhiều người đầu tư trung bình thường tập trung vào sản phẩm hơn là các khía cạnh khác của doanh nghiệp. Người bố giàu cho rằng sản phẩm là yếu tố ít quan trọng nhất khi phân tích đánh giá một doanh nghiệp.

Nhiều người tìm đến tôi với những ý tưởng về sản phẩm mới hay phát minh mới. Nhưng thế giới này có biết bao nhiêu sản phẩm tuyệt vời. Mọi người cũng nói với tôi ý tưởng hay sản phẩm của họ còn tốt hơn những sản phẩm hiện có. Coi chất lượng tốt nhất của một sản phẩm hay dịch vụ đóng vai trò quyết đinh sự thành công thường là suy nghĩ của những người nhóm L hay T. Trong khi đó, đối với những người nhóm C và Đ, phần quan trọng nhất của một doanh nghiệp mới thành lập chính là hệ thống nằm sau sản phẩm hay dịch vụ đó, tức là các yếu tố khác của tam giác C – Đ. Sau đó, tôi nói với họ rằng hầu hết chúng ta đều có thể làm một ổ bánh mì kẹp thịt ngon hơn của McDonald, thế nhưng rất ít người trong chúng ta có thể xây dựng một hệ thống kinh doanh hoàn hảo hơn McDonald.

HƯỚNG DẪN CỦA NGƯỜI BỐ GIÀU

Vào năm 1974, tôi quyết định sẽ học cách xây dựng kinh doanh theo mô hình tam giác C- Đ của người bố giàu. Người đã cảnh báo tôi trước thế này, “Học cách xây dựng kinh doanh theo mô hình này sẽ có rất nhiều rủi ro. Nhiều người đã cố gắng áp dụng nó nhưng đều thất bại. Thế nhưng mặc dù lúc đầu có nhiều rủi ro, nếu con học được cách xây dựng kinh doanh, khả năng kiếm tiền của con sẽ là vô tận. Đối với những ai không dám chấp nhận rủi ro, những ai không muốn học hỏi một cách cực khổ như thế, mức độ rủi ro của họ sẽ thấp hơn nhưng thu nhập suốt đời của họ cũng sẽ y như vậy”.

Tôi vẫn còn nhớ những kinh nghiệm “lên voi xuống chó” của mình trên con đường học hỏi xây dựng một công việc kinh doanh vững mạnh. Tôi nhớ những đoạn quảng cáo tôi viết đã không đem lại doanh thu gì cả. Tôi nhớ những tờ rơi tôi viết về sản phẩm của mình không ai hiểu được tôi muốn nói gì. Và tôi nhớ những lần gọi vốn khó khăn, và học cách sử dụng tiền của các nhà đầu tư một cách khôn ngoan để có thể xây dựng những công ty hùng mạnh. Tôi cũng nhớ bài học cay đắng khi tôi quay lại tìm các nhà đầu tư và thông báo với họ là tôi đã làm mất hết toàn bộ số tiền đầu tư của họ. Tôi mãi mãi biết ơn những nhà đầu tư đã thông cảm cho tôi, an ủi tôi và bảo tôi hãy quay lại tìm họ một khi tôi có cơ hội đầu tư khác cần vốn. Qua suốt quá trình đó, mỗi sai lầm là một bài học kinh nghiệm vô giá và mỗi lần thử thách lại được phát triển tính cách cá nhân của mình.

Vào năm 1974, hầu như yếu tố nào trong tam giác C- Đ của tôi cũng đều non kém, nhưng yếu kém nhất là việc quản lý tiền mặt và giao tiếp. Ngày nay, mặc dù tôi vẫn chưa hoàn hảo ở một khía cạnh nào đó của tam giác, nhưng tôi có thể cho rằng mình giỏi nhất về việc quản lý tiền bạc và giao tiếp. Vì tôi có thể tạo ra sự đồng bộ phối hợp giữa các cấp, các công ty của tôi đã thành công, vấn đề tôi muốn nêu bật ở đây là cho dù lúc đầu tôi rất non kém, và đến giờ vẫn chưa hoàn hảo hết mọi thứ, tôi vẫn luôn không ngừng học hỏi cho mình. Đối với những bạn muốn thật giàu có theo cách này, tôi hoàn toàn khuyến khích các bạn hãy khởi sự, hãy thực hành, phạm sai lầm, sửa chữa, học hỏi và tiến bộ.

Khi tôi nghiên cứu những người thuộc nhóm 10% nhưng kiểm soát 90% cổ phiếu toàn nước Mỹ và 73% của cải tài sản, tôi hiểu rõ chính xác nguồn gốc của sự giàu có của họ. Nhiều người làm giàu theo y như cách của Henry Ford va Thomas Edison. Những người đó bao gồm Bill Gates, Michael Dell, Warren Buffet, Rupert Murdock và nhiều nhân vật khác. Họ tìm thấy tinh thần doanh nhân và nhiệm vụ của mình; xây dựng một công ty; và cho phép nhiều người khác cùng chia sẻ những ước mơ, những mạo hiểm và những phần thưởng xứng đáng. Bạn có thể đi theo con đường mà họ đã đi qua nếu bạn muốn. Hãy đi theo sơ đồ mà người bố giàu đã dày công hướng dẫn tôi trên con đường làm giàu: Tam Giác C- Đ.

Helen Keller đã từng nói, “Hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn những ước muốn cá nhân, hạnh phúc được tìm thấy ở sự thành thật hướng đến một mục đích có giá trị và nhiều ý nghĩa”.

GHI CHÚ CỦA SHARON – ĐỒNG TÁC GIẢ

Yếu tố sản phẩm được đặt trên cùng trong tam giác C-Đ bởi vì nó thể hiện sứ mệnh của một doanh nghiệp, đó là những gì mà bạn sẽ cung cấp cho khách hàng của bạn. Trong khi đó, các yếu tố khác của tam giác C-Đ sẽ đặt nền tảng cho sự thành công lâu dài của doanh nghiệp bạn. Nếu bạn có khả năng trao đổi thông tin mạnh mẽ với thị trường, các hệ thống của bạn sẽ được thiết lập để phục vụ sản xuất, tiếp nhận đặt hàng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nếu bạn quản lý tiền mặt hiệu quả, bạn sẽ có thể bán thành công sản phẩm của mình và từ đó tạo đà tăng tốc kinh doanh của doanh nghiệp bạn.

TAM GIÁC C – Đ VÀ NHỮNG Ý TƯỞNG CỦA BẠN


Người bố giàu nói, “Chính tam giác C- Đ sẽ giúp những ý tưởng rời rạc của con được tổng hợp lại thành một sản phẩm cụ thể. Chính kiến thức hiểu biết về tam giác C- Đ sẽ giúp con tạo ra một tài sản dùng để mua những tài sản khác”. Người bố giàu đã hướng dẫn tôi cách tạo ra và xây dựng nhiều tam giác C- Đ.

Nhiều doanh nghiệp của tôi trong số này gặp thất bại bởi vì tôi không thể xếp các yếu tố, khía cạnh lại với nhau một cách tổng thể hài hòa. Khi mọi người hỏi tôi điều gì đã làm nhiều doanh nghiệp của tôi bị phá sản, tôi trả lời chính một hay nhiều mảnh ghép của tam giác C-Đ đó đã gặp trục trặc và gãy vỡ. Thay vì khuyên tôi bỏ cuộc sau nhiều lần thất bại liên tiếp, người bố giàu vẫn động viên, khuyến khích tôi thực hành và xây dựng những tam giác ấy. Người nói, “Con càng thực tập xây dựng những tam giác C- Đ này nhiều chừng nào, sau này sẽ dễ dàng nhiều hơn cho con chừng nấy để tạo ra một tài sản mua những tài sản khác. Nếu kiên trì học hỏi, con sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách dễ dàng hơn. Một khi con lão luyện trong việc biến ý tưởng thành những tam giác C- Đ hữu hình, mọi người sẽ tìm đến con và đầu tư tiền của vào con. Do đó mà ta nói rằng con không nhất thiết phải có tiền mới kiếm được tiền. Mọi người sẽ đưa tiền cho con để con có thể kiếm nhiều hơn không những cho bản thân con mà còn cho họ. Thay vì dành cả đời đi làm việc vì tiền, sẽ tốt hơn cho con nếu con dành đời mình tạo ra những tài sản kiếm được nhiều tiền hơn”.

TAM GIÁC C – Đ VÀ CÂU ĐỐ 90/10 LÀ HAI NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH

Một ngày nọ, khi đang dạy tôi về tam giác C- Đ, người bố giàu nói, “Trong mỗi chúng ta đều có một tam giác C- Đ”. Tôi phải mất một thời gian rất lâu mới có thể hiểu và lĩnh hội ý nghĩa câu nói đó của Người. Ngày nay, bất cứ khi nào tôi nhận thấy một cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp, một thành phố hay một quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính, đối với tôi điều đó có nghĩa là một hay nhiều mảnh ghép của tam giác C- Đ bị mất hay không gắn kết với những mảnh ghép khác. Và khi các mảnh của tam giác C- Đ không hoạt động một cách hài hòa với nhau, chắc chắn là cá nhân đó, gia đình dó, hay quốc gia đó sẽ rơi vào nhóm 90% dân số chia sẻ 10% của cải. Cho nên, nếu bạn, gia đình bạn hay doanh nghiệp của bạn hiện đang vật lộn với tiền bạc hãy xem xét lại các mảnh ghép của tam giác C- Đ và phân tích xem mảnh nào cần được thay đổi và cải thiện.

GIẢI ĐÁP CÂU ĐỐ TAM GIÁC C – Đ

Người bố giàu đã đưa ra một lý do khác để tôi bắt đầu học hỏi và nắm vững tam giác C- Đ. Người nói, “Bố của con tin rằng làm việc cần mẫn là phương cách kiếm tiền. Một khi con làm chủ cách xây dựng tam giác C- Đ, con sẽ nhận thấy con càng làm việc ít chừng nào, con lại có thể kiếm được nhiều tiền hơn và những gì con xây dựng sẽ trở nên có giá trị hơn chừng nấy”. Ngày nay, tôi gặp nhiều người làm việc siêng năng trên con đường nghề nghiệp của mình, leo từng nấc thang thăng tiến trong công ty, hoặc lập một văn phòng tư vấn dựa vào tiếng tăm của mình. Đó là những người thuộc nhóm L và T. Để có thể làm giàu, tôi cần phải học cách xây dựng và lập nên những hệ thống có thể hoạt động mà không cần sự có mặt và can thiệp của tôi. Khi đó, tôi có thể làm việc ít hơn mà vẫn kiếm được nhiều tiền hơn.

Đó chính là cách suy nghĩ mà người bố giàu gọi là “giải quyết câu đố tam giác C – Đ”. Nếu bạn là người mê làm việc – mà người bố giàu thường gọi là “bận rộn trong sự bận rộn mà không xây dựng được gì cả” – tôi đề nghị bạn nên ngồi lại cùng những người khác như bạn và thảo luận làm thế nào để có thể kiếm nhiều tiền hơn mà lại làm việc ít hơn. Tôi nhận thấy sự khác nhau giữa những người nhóm C – Đ với những người nhóm L-T là người nhóm L-T thích “lấn sân” và nhúng tay vào công việc. Người bố giàu thường nói “Con can thiệp vào nhiều bao nhiêu, con kiếm tiền càng ít bấy nhiêu”. Nếu bạn dự định trở thành loại người tạo ra tài sản để mua những tài sản khác, bạn cần phải suy nghĩ những cách mà bạn có thể kiếm tiền nhiều hơn nhưng làm việc ít hơn.

TÓM TẮT VỀ TAM GIÁC C-Đ

Toàn bộ tam giác C- Đ thể hiện một hệ thống vững mạnh bao gồm nhiều hệ thống khác – được hỗ trợ bởi một ê kíp có người lãnh đạo, và toàn bộ các hệ thống đó đều vận hành vì một mục đích chung duy nhất. Nếu một thành viên trong ê kíp bị suy yếu hay dao động, toàn bộ sự thành công của doanh nghiệp có nguy cơ bị chững lại. Để tóm tắt về tam giác C – Đ, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn ba điểm quan trọng như sau:

  1. Tiền bạc theo sau sự quản lý. Nếu bất kỳ một chức năng quản lý nào trong năm yếu tố riêng rẽ đó bị suy yếu, toàn bộ công ty sẽ suy yếu theo. Nếu bản thân bạn đang gặp chuyện về tiền bạc, hay không có nhiều tiền mặt như bạn muốn, bạn có thể tìm thấy nguyên nhân khi phân tích từng yếu tố. Một khi xác định sự suy yếu nằm ở đâu, bạn có thể xem xét phát huy nó thành ưu thế, hay thuê mướn một người nào có ưu thế đó.
  2. Những cơ hội đầu tư hay doanh nghiệp tốt nhất, là những gì bạn nên bỏ qua. Nếu bất kỳ một yếu tố nào bị suy yếu và bộ phận quản lý không chịu củng cố sửa chữa yếu tố đó, tốt nhất là bạn nên bỏ đi và đừng đầu tư vào. Rất nhiều lần, khi tôi thảo luận về 5 yếu tố ấy của tam giác C-Đ với đội ngũ quản lý của một doanh nghiệp mà tôi đang dự định đầu tư, tôi chỉ nghe tranh cãi hơn là bàn bạc thảo luận. Khi chủ doanh nghiệp hay các ê kíp kinh doanh không có thế mạnh về một trong năm yếu tố này, họ thường có thái độ bào chữa phòng thủ hơn là chịu tiếp thu ý kiến. Nếu họ chỉ biết bào chữa mà không chịu tìm kiếm nguyên nhân để khắc phục chúng, tôi sẽ bỏ qua ngay mà không hề luyến tiếc. Trong nhà tôi có treo một bức tranh con lợn mà tôi chụp ở Fiji. Dưới bức tranh tôi đề dòng chữ “Đừng cố dạy lợn học hát. Điều đó sẽ làm bạn mất thời gian và gây phiền phức cho những chú lợn khác”. Ngoài kia có biết bao nhiêu cơ hội tuyệt vời cần tìm kiếm hơn là lãng phí thời gian của mình để dạy những con lợn biết hát.
  3. Máy vi tính xách tay và mạng Internet làm cho tam giác C- Đ trở nên dễ có hơn và dễ quản lý hơn đối với mọi người. Trong nhiều lần diễn thuyết, tôi thường nói là chưa bao giờ lại làm giàu dễ dàng hơn lúc này. Trong thời đại Công nghiệp, bạn phải cần hàng triệu đô để xây dựng một nhà máy chế tạo ô tô. Ngày nay, chỉ cần một máy vi tính trị giá 1.000 đô, một đầu óc khôn ngoan, một đường dây điện thoại và một ít hiểu biết về 5 yếu tố đó của tam giác C- Đ, cả thế giới sẽ là của bạn. Nếu bạn vẫn mơ ước xây dựng một doanh nghiệp cho chính mình, chưa bao giờ có cơ hội thành công nhiều hơn như lúc này. Mới đây, tôi gặp một thanh niên sang nhượng công ty Internet nhỏ bé của mình cho một công ty lớn chuyên về phần mềm máy tính với giá 28 triệu đô. Chàng trai đó chỉ nói với tôi thế này, “Em kiếm được 28 triệu đô lúc 28 tuổi. Vậy thì khi được 48 tuổi, em sẽ kiếm được bao nhiêu?”

GHI CHÚ CỦA SHARON – ĐỒNG TÁC GIẢ

Nếu bạn muốn trở thành doanh nhân xây dựng kinh doanh hay đầu tư thành công, toàn bộ tam giác C- Đ của bạn phải vững mạnh, chắc chắn và hài hòa với nhau. Nếu bạn bảo đảm được điều đó, chuyện kinh doanh của bạn sẽ phát triển và thịnh vượng. Nếu bạn là một thành viên trong một ê kíp, bạn không cần phải biết hết mọi yếu tố của tam giác C- Đ, chỉ cần bạn có một tầm nhìn rõ ràng, một mục đích vững vàng và một lá gan sắt đá.

TỪ TAM GIÁC C – Đ ĐẾN KHỐI TỨ DIỆN KINH DOANH

Một doanh nghiệp có một mục đích rõ ràng, một nhà lãnh đạo dứt khoát và một ê kíp có trình độ và đoàn kết sẽ trở nên mạnh hơn khi các yếu tố của tam giác C – Đ làm việc hài hòa với nhau. Khi đó, tam giác C – Đ sẽ hiện lên góc độ ba chiều và trở thành khối tứ diện.

Điểm hoàn thiện chính là khi có sự nhất quán: đó là sự tổng thể, toàn khối, có điều kiện tuyệt vời và chắc chắn.

Một định nghĩa phổ biến hơn của sự nhất quán chính là sự thành thật. Dù những định nghĩa này khác nhau nhưng chúng đều cùng nói lên một bản chất.

Một doanh nghiệp hoạt động với sự thành thật và được xây dựng trên nền tảng của những nguyên tắc trong tam giác C – Đ sẽ trở nên tổng thể, toàn khối và vững chắc.

Mời các bạn đón đọc thêm: