Sử cũ chép rằng, bấy giờ Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối ngôi, lòng lấy làm lo lắng, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Mùa xuân năm 1063, vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi đi qua hương Thổ Lỗi, Ngài vén rèm nhìn ra, thấy dân làng nô nức đến xem, quỳ lạy từ xa, riêng có người con gái 19 tuổi vẫn thản nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan cất tiếng hát trong trẻo:
“Tay cầm bán nguyệt xênh xang,
Một trăm ngọn cỏ lai hàng tay ta.”
Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đưa cô đến trước xe hỏi chuyện. Vua hỏi vì sao không nghênh giá, nàng trả lời: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng“. Thấy cô gái bội phần xinh đẹp, lại đối đáp lưu loát, thông minh dịu dàng, Vua liền truyền đưa về kinh thành Thăng Long, phong làm Ỷ Lan phu nhân (chữ “ỷ lan” nghĩa là tựa gốc cây lan).
Vua cho xây dựng một cung điện riêng (nay là đình Yên Thái, phường Hàng Gai, Hà Nội) đặt tên là cung Ỷ Lan.
Vào cung, Ỷ Lan miệt mài đọc sách, học hỏi, lại được vua cử người kèm cặp, giảng dạy nên tiến bộ rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, bà đã hiểu biết uyên thâm về nhiều lĩnh vực khiến mọi người kinh ngạc và bái phục.
Năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam, dù trong triều có Tể tướng Lý Đạo Thành và Hoàng hậu Thượng Dương, nhưng Vua chỉ tin tưởng giao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Bà được toàn quyền quyết định việc triều chính khi Vua vắng mặt.
Đại Việt sử ký toàn thư nhắc chuyện khi Vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên thì nghe tin nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi. Lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi bà là Quan Âm. Lúc này Vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì”. Nói rồi, Vua cho quân quay lại đánh tiếp và giành thắng lợi.
Sau lần nhiếp chính khi Vua đi đánh giặc, bà Ỷ Lan còn buông rèm nhiếp chính ở đời vua Lý Nhân Tông (con trai bà). Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, thái tử Càn Đức mới 6 tuổi lên ngôi. Triều Lý không tránh khỏi rối ren. Nhưng khi Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính thì đất nước lại nhanh chóng ổn định. Bà vừa dạy nhà vua lớn khôn thành tài, vừa cùng Lý Thường Kiệt và Lý Đạo Thành trông coi việc nước đạt được nhiều thành tựu.
Năm 1077, khi nhà Tống đem quân xâm lược, Ỷ Lan đã huy động toàn dân đoàn kết, giành chiến thắng oanh liệt trước kẻ thù.
Lời bàn:
Người xưa quan niệm rằng phụ nữ có “tam tòng tứ đức”. Là người luôn luôn đối nội và giữ lửa, thờ chồng nuôi con để chồng làm việc lớn. Nhưng Nguyên Phi Ỷ Lan lại cho thấy tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” khi đất nước lâm nguy, khi đất nước cần thì Nữ nhi cũng có thể thay chồng, thay người nam làm những việc lớn. Nhưng cũng chính vì thế mà lại làm cho Vua Lý Thánh Tông có một nỗi thẹn là không bằng vợ hay không bằng người nữ. Nỗi thẹn này càng được tăng cao khi chính mình là một vị Vua đứng đầu đất nước. Nỗi thẹn của vị Vua đã biến thành động lực và sức mạnh để tiếp thêm tinh thần quay lại đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại ấm no cho nhân dân. Thật là nỗi thẹn cao quý!