Hồi còn trẻ, Nguyễn Khuyến (1835-1909) cùng với đám đồng môn ra sông tắm gặp đoàn thuyền giấy trên có voi, ngựa và hình nhân của dân cư cúng cô hồn và lễ quan ôn cầu mát, lễ xong bỏ sông trôi vào chỗ anh em tắm. Có người gạt ra thuyền giấy lại trôi vào. Nguyễn Khuyến liền nói đùa: “Thuyền bè lính tráng, voi ngựa oai hùng thế kia sao không vượt sông ra bể phù dân giúp nước trong lúc quốc gia hữu sự này, lại luẩn quẩn đây cầu ăn con gà, nắm xôi”.
Nguyễn Khuyến vừa nói xong thì đoàn thuyền giấy đó dạt ngay sang phía sông bên kia. Sau đó dân làng bị ốm đau như bị ma quỉ quấy nên người ta phái người sang cầu cứu cụ Nghè.
Cụ Nghè liền gọi Nguyễn Khuyến và bọn học trò tắm sông hôm đó hỏi đầu đuôi câu chuyện và bảo phải ra khấn khứa cho đoàn thuyền trôi đi. Ông Nguyễn Khuyến liền tới bờ sông hô to yêu cầu đoàn thuyền trôi đi nơi khác. Sau đấy dân cư đều khỏi ốm đau và được bình an như thường”.
Lời bàn:
Con người chết đi vất vưởng mà thành lũ cô hồn còn biết liêm sỉ, cảm thấy đau khổ khi có người nói đến cái thân phận vô dụng của mình, huống nữa là con người lúc đang sống ở trong trời đất.