Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham tụng (Tể tướng) dưới triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc – Bắc Ninh. Nguyễn Du ra đời trong một gia đình đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời. Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa, nhưng cuộc sống này kéo dài không quá mười năm. Vì 10 tuổi đã mồ côi cha, năm 13 tuổi, mồ côi mẹ, ông và các anh em ruột phải đến sống với người anh cả khác mẹ là Nguyễn Khản (khi ấy ông Khản đã hơn Nguyễn Du 31 tuổi).
Mùa thu năm 1802, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long thì ông được gọi ra làm quan cho nhà Nguyễn. Năm 1820, Vua Gia Long mất, Vua Minh Mạng (1791 – 1840) lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột ở kinh đô Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức 18 tháng 9 năm 1820.
Các tác phẩm của Nguyễn Du
Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: Ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành… nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà đỉnh cao là Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ.
Sáng tác của Nguyễn Du được lưu hành ngay từ lúc ông còn sống. Tương truyền Truyện Kiều được Phạm Quý Thích nhuận sắc và cho in ở phố Hàng Gai – Hà Nội lúc ấy. Sau khi Nguyễn Du mất chỉ vài chục năm, vua Tự Đức từng có sớ cho quan tỉnh Nghệ An thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để đưa về kinh. Từ đó đến nay, việc sưu tập, nghiên cứu phổ biến di sản văn học của Nguyễn Du vẫn còn tiếp tục.
Truyện Kiều
“Đoạn trường tân thanh” (Tên phổ biến là “Truyện Kiều”), được viết bằng chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Pháp, Anh, Nga, Hàn, Nhật…
Độc tiểu thanh ký.
Độc Tiểu Thanh ký là một trong những sáng tác của Nguyễn Du đưọc nhiều người biết đến. Tư tưởng tác phẩm làm người đọc xúc động vì tình cảm nhân đạo cao cả của nhà thơ. Độc Tiểu Thanh ký có nghĩa là “đọc tập Tiểu Thanh” của nàng Tiểu Thanh. Đó là người con gái có thật, sống cách Nguyễn Du ba trăm năm trước ở đời Minh (Trung Hoa). Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh. Nhiều ý kiến cho rằng nàng là người Dương Châu, con nhà gia thế, tên chữ là Phùng Huyền Huyền. Vốn thông minh nên từ nhỏ nàng đã thông hiểu các môn nghệ thuật cầm kì thi hoạ, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả tình hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nhưng đau khổ muộn phiền được gửi gắm vào thơ nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt hết, may mắn còn một số bài sót lại. Người ta cho khắc in số thơ đó, đặt là Phần Dư. Thương xót, đồng cảm với số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh, Nguyễn Du viết ra bài thơ này. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du.
“…Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp tố như”
dịch thơ:
“…Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”
Lời bàn:
Đức Khổng Tử nói rằng: “Chớ lo mình không có chức vị; chỉ lo mình chẳng đủ tài đức để lãnh lấy chức vị mà thôi. Chớ lo người ta chẳng biết mình; chỉ cầu cho mình trở nên giỏi giắn và có đạo hạnh đặng đáng cho người ta biết vậy thôi”. Đức Khổng Tử cũng dạy: “Người quân tử buồn vì mình không đủ tài đức; chớ chẳng buồn vì người ta chẳng biết mình”. Nguyễn Du là một người dòng dõi nhà Quan đã từng “dùi mài kinh sử” như bất cứ ai theo nghiệp “lều chõng”. Ông thuộc lòng “Tứ thư, Ngũ kinh”, thông suốt những lời dạy của đức thánh Khổng. Với câu hỏi mở trong bài thơ được sáng tác trước khi ông mất: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng?” có lẽ đó là lời tự sự với thế hệ sau về cuộc đời và tư tưởng của mình.
Nguyễn Du tự thể hiện mình bằng tên chữ “Tố Như” không phải mong “lưu danh thiên cổ” mà chỉ là tâm sự của một nỗi lòng tha thiết với cuộc đời. Con người ai mà không chết, nhưng làm thế nào để “lưu lại lòng này với sử xanh”. Vậy ông muốn nhắn nhủ với thế hệ sau rằng cho dù cuộc đời có thế nào, xã hội có ra sao thì mình vẫn phải sống thật tốt, phải lấy đức để hoá giải hận thù, lấy ân báo oán, trung quân ái quốc. Đây là lời cảnh tỉnh cho người thời sau hãy khóc cho chính bản thân mình, bằng giọt nước mắt của sự hổ thẹn, sự quán chiếu, vì rằng đức hạnh của mình chưa được như người xưa, vì rằng sự cống hiến cho xã hội cho nước nhà chưa được nhiều và rằng mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa…
Đã hơn ba trăm năm trôi qua, bài thơ của Nguyễn Du vẫn còn lưu giữ tấm lòng sâu sắc, chân thành của một người luôn mong mỏi được cống hiến cho Tổ quốc. Đó là tình cảm không biên giới, vượt thời gian, xuất phát từ gốc rễ yêu nước thương dân của mình.
Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, tại Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965). Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.